Bộ GD-ĐT kiên quyết giải thể trường ĐH yếu kém
Các trường không đạt quy chuẩn đảm bảo chất lượng tối thiểu nhưng không có giải pháp khắc phục thì Bộ GD-ĐT sẽ kiên quyết giải thể
Đó là một trong số các giải pháp Bộ GD-ĐT sẽ thực hiện trong thời gian tới để quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục ĐH và đào tạo giáo viên

Bộ GD-ĐT vừa có báo cáo số 416 gửi Quốc hội. Trong rất nhiều vấn đề được nêu ra có việc quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục ĐH và đào tạo giáo viên phải thực hiện theo Luật Quy hoạch và Nghị định hướng dẫn Luật Quy hoạch.
Dừng tuyển sinh, tiến hành các thủ tục giải thể
Một trong các giải pháp thực hiện thời gian tới là hoàn thiện Đề án sáp nhập, hợp nhất hoặc giải thể các trường ĐH công lập, dự kiến trình Chính phủ trong quý III năm nay làm căn cứ hoàn thiện quy hoạch, trình Thủ tướng Chính phủ vào quý II năm 2020.
Theo báo cáo này, mục tiêu chung của quy hoạch nhằm hình thành một mạng lưới cơ sở giáo dục ĐH có cơ cấu hợp lý, có quy mô, chất lượng đáp ứng nhu cầu của người học và thị trường lao động, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội của đất nước và hội nhập quốc tế.
Để đạt được mục tiêu , Bộ GD-ĐT triển khai một số nhóm giải pháp đồng thời. Thứ nhất là ban hành các bộ quy chuẩn chất lượng áp dụng cho các cơ sở giáo dục ĐH làm cơ sở để rà soát các điều kiện đảm bảo chất lượng tối thiểu của cơ sở. Bên cạnh đó là rà soát, sắp xếp lại mạng lưới các trường theo hướng giảm đầu mối, tăng quy mô đào tạo trên một cơ sở, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ sở.
Căn cứ trên kết quả đánh giá, tiến hành sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở theo một trong các phương thức điều chỉnh quy mô đào tạo phù hợp với mức độ đạt chuẩn chất lượng của cơ sở đào tạo.
Sáp nhập và tổ chức lại các cơ sở không đáp ứng chuẩn tối thiểu để tăng cường năng lực đào tạo của các cơ sở. Các trường không đạt quy chuẩn đảm bảo chất lượng tối thiểu mà không có giải pháp khắc phục sẽ bị dừng tuyển sinh và tiến hành các thủ tục giải thể trường phù hợp với quy định.

Khuyến khích ĐH thuộc doanh nghiệp, ĐH không vì lợi nhuận
Bộ GD-ĐT cũng sẽ xác định nhà nước ưu tiên đầu tư vào một số cơ sở giáo dục ĐH có định hướng nghiên cứu và năng lực cạnh tranh quốc tế, một số trường ĐH sư phạm trọng điểm.
Khuyến khích phát triển các cơ sở giáo dục ĐH thuộc doanh nghiệp, các trường ĐH tư thục hoạt động không vì lợi nhuận, theo nguyên tắc không bị giới hạn bởi số lượng cơ sở theo vùng.
Khuyến khích hợp nhất, sáp nhập những cơ sở giáo dục ĐH có cùng ngành, nghề đào tạo trên cùng địa bàn tỉnh, thành phố.
Trước chủ trương này, PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, bày tỏ sự đồng tình.
Ông Dũng nói: “Cơ chế thị trường sẽ quyết định sự tồn tại của các trường. Trường kém chất lượng người học sẽ không vào vì tốn tiền mà ra trường lại thất nghiệp. Cứ để các trường tự chủ, chỉ cần 3 năm không có sinh viên là trường tự đóng cửa chứ không cần bộ giải thể.”.
Về việc Bộ GD-ĐT khuyến khích hợp nhất, sáp nhập các trường cùng ngành nghề đào tạo trên cùng địa bàn, ông Dũng cho rằng cũng nên làm vì các nước trên thế giới đã và đang thực hiện.
Theo Thanh Niên
Tin mới nhất
- Quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2021 chỉ có một số thay đổi về kỹ thuật 25/03/2021
- Đề xuất tiếp tục hỗ trợ thu nhập cho giáo viên mầm non 05/03/2021
- Quà tặng ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 tại TP Hồ Chí Minh: Giá trị của cái đẹp lên ngôi 05/03/2021
- Người trẻ gác dự định du lịch để phòng dịch Covid-19 05/02/2021
- Sẻ chia hương vị Tết với đối tượng chính sách và người nghèo 05/02/2021
- Sôi động đêm đại nhạc hội The Harmony Cherub 05/02/2021
- Tăng tốc chuyển đổi số để thu hút đầu tư 16/01/2021
- Thông tin mới về tuyển sinh lớp 10 tại TP HCM 30/12/2020
- Đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục phổ thông 19/12/2020
- 5 chính sách mới có hiệu lực trong tháng 12-2020 công chức, viên chức cần biết 10/12/2020
- Dự báo 9 nhóm ngành cần nhân lực 09/12/2020