Học văn qua hình thức… họp báo
“Họp báo… ra mắt phim” là hình thức học tập khá mới mẻ ở bộ môn văn vừa diễn ra tại Trường THPT Bình Chánh (huyện Bình Chánh, TP.HCM). Hoạt động này nằm trong dự án “Hình ảnh người phụ nữ xưa và nay nhìn từ nhóm tác phẩm văn học lớp 10” do hai giáo viên văn của trường là thầy Phạm Văn Bình và cô Nguyễn Thị Phương Linh triển khai ở lớp 10A6 và lớp 10A16.

Thực hiện dự án, mỗi lớp được chia làm 3 nhóm: Nhóm họp báo, nhóm báo chí và nhóm mô hình đạo cụ sắm vai phóng viên, biên kịch, đạo diễn, MC, diễn viên, quay phim… Dù thực hiện những nhiệm vụ khác nhau nhưng các nhóm đều xoay quanh quá trình sản xuất bộ phim “Khúc cầm ai oán còn ngân”. Với thông điệp “phụ nữ xứng đáng được yêu thương”, bộ phim được ví như sợi dây kết nối giữa số phận của người phụ nữ thời xưa (Thúy Kiều) và người phụ nữ ngày nay giàu đức hy sinh.
Trong vai nhà biên kịch, Trần Thanh Phương (lớp 10A6) cho hay “Khúc cầm ai oán còn ngân” thực chất là sự hòa trộn giữa văn học và đời sống, thể hiện những nét tương đồng giữa người phụ nữ xưa và nay. Cách học này rất thú vị, không chỉ hiểu về giá trị văn học mà em còn được trải nghiệm công việc của một biên kịch thực thụ. Thể hiện khá thành công vai trò đạo diễn, Huỳnh Chính Khách (lớp 10A6) cho biết trong hơn 1 tháng dựng trailer bộ phim, ngoài những kiến thức tác phẩm, bản thân được làm quen với nghề đạo diễn, được hoàn thiện những kỹ năng về CNTT…
Chọn hình thức họp báo để triển khai dự án, thầy Phạm Văn Bình cho rằng ở hình thức này học sinh sẽ được chia sẻ nhiều hơn, được tự nhiên giới thiệu về các sản phẩm của dự án mà không hề khiên cưỡng. Trước khi triển khai dự án, học sinh được khảo sát về năng lực nghề nghiệp của bản thân để chia nhóm. Do vậy, ngoài thông điệp nhân văn, dự án còn giúp các em biết rằng văn học rất gần với nghệ thuật, cho các em trải nghiệm những nghề liên quan đến nghệ thuật.
Khẳng định học văn là học nghề, là học kỹ năng sống, theo cô Nguyễn Thị Phương Linh, dự án không đơn thuần là cảm thụ văn học, bồi đắp tâm hồn học sinh mà thông qua việc thực hiện những vai trò, các em sẽ bước đầu được định hướng nghề nghiệp. Từ dự án, chúng tôi mong muốn các em sẽ có cái nhìn cảm thông, trân trọng hơn với những người phụ nữ xung quanh mình. Đồng thời cách tiếp cận này sẽ là nền tảng để các em tiếp thu những tác phẩm văn học sau này, qua đó yêu văn học hơn.
Theo Giáo dục TP.HCM
Tin mới nhất
- Tăng tốc chuyển đổi số để thu hút đầu tư 16/01/2021
- Thông tin mới về tuyển sinh lớp 10 tại TP HCM 30/12/2020
- Đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục phổ thông 19/12/2020
- 5 chính sách mới có hiệu lực trong tháng 12-2020 công chức, viên chức cần biết 10/12/2020
- Dự báo 9 nhóm ngành cần nhân lực 09/12/2020
- Xu hướng tiêu dùng nông sản hữu cơ gia tăng 07/12/2020
- 11 cơ sở giáo dục đại học Việt Nam được xếp hạng tốt nhất Châu Á năm 2021 04/12/2020
- NÓNG: Quy định mới về thi tuyển công chức có hiệu lực từ 1-12-2020 04/12/2020
- ĐHQG TP.HCM tập huấn về “Công nghệ Đột phá cho Quản trị tài sản công” 04/12/2020
- Bộ GD-ĐT phê duyệt bộ tài liệu truyền thông về phòng, chống dịch Covid-19 dùng trong trường học 30/11/2020
- Lan tỏa phiên chợ không đồng giữa lòng thành phố 29/11/2020