‘Mặc ai nói gì, mẹ vẫn sẽ không cho con đi học trước lớp 1’
Con trai, vậy là chỉ còn vài tháng nữa con sẽ vào lớp 1. Như bao người mẹ khác, mẹ cũng hồi hộp, lo lắng không biết con sẽ học với cô giáo nào, sẽ có những người bạn nào…

Cả cơ quan mẹ có sáu con cùng vào lớp 1 năm nay, nhưng chỉ có con là không đi học trước. Con vẫn như tờ giấy trắng tinh, nghĩa là con chưa đọc thông viết thạo, cũng chưa biết làm toán.
Một đồng nghiệp nói với mẹ: “Sao em dại thế? Thời nào rồi còn để con lạ lẫm khi bước vào lớp 1?”. Mẹ vò đầu bứt tóc, cũng hơi lăn tăn trước lời nhắc nhở ấy, nhất là khi người đồng nghiệp ấy khoe con gái ở nhà đã đánh vần thông thạo, viết chữ rất đẹp và đã biết làm toán.
Một đồng nghiệp khác lại “dọa”: “Em xem, chị từng bị trả giá chỉ vì để Nhím lên lớp 1 như tờ giấy trắng đấy”. Ngay hàng xóm ở cùng chung cư vẫn than thở vì quá mệt mỏi khi có con lên lớp 1 mà chưa biết làm toán, chưa biết đánh vần, không theo kịp bạn bè. Mẹ biết phải làm sao để vượt qua được những “lời dọa dễ thương” ấy?
Con mỗi ngày vẫn hồn nhiên như vậy, ở nhà vẫn nguệch ngoạc những chữ cái đầu tiên, vẫn hồn nhiên hỏi lên lớp 1 là như thế nào hả mẹ? Lên lớp 1 con có học với cô Xây, cô Hường, cô Thơm và học cùng các bạn không?
Mẹ không thể so thời của con giống thời của mẹ. Nhưng mẹ kể con nghe mẹ đã có một tuổi ấu thơ đẹp với thả diều, bắt chuồn chuồn vào những trưa mùa hè, được tham gia tát nước để bắt cá… Ký ức ngày ấy của mẹ không phải ở bàn học và bạn bè mẹ cũng vậy.
Ai đó nói thời nay nếu học kiểu như thời xưa sẽ bị bỏ lại phía sau. Có lẽ điều đó đúng, nhưng ở giác độ nào đó vẫn còn chưa đủ. Mẹ muốn con bước vào lớp 1 với hành trang là những kỹ năng, là sự thơ ngây, hồn nhiên, chứ không phải “ông cụ non” cái gì cũng biết.
Mẹ không muốn đôi mắt đen láy của con phải đeo cặp kính cận như nhiều em bé khác chỉ để đổi lấy chút ít kiến thức thuở ban đầu. Mẹ muốn giữ cho con cảm xúc “lần đầu tiên” nó tuyệt vời thế nào.
Mẹ vẫn cảm thấy có cái gì không ổn khi con nhà hàng xóm vẫn đánh vật với những buổi đi học thêm, những buổi học tối. Những đứa trẻ ấy gương mặt ít cười, phụng phịu và ngáp ngắn ngáp dài mỗi buổi sáng.
Lướt mạng xã hội, mẹ thổn thức khi đọc được câu chuyện của một gia đình nào đó về cuộc đua của những đứa trẻ vào vai… siêu nhân. Để có thể vào được trường chuyên, trong suốt thời học sinh, những đứa trẻ ấy luôn phải gồng mình lên để gánh điểm sao cho đẹp hồ sơ.
Mẹ không hiểu với những đứa trẻ ấy, mỗi ngày sẽ “sống” ra sao? Mẹ vẫn còn thấy nhiều phụ huynh hả hê với những tấm giấy khen của con mình. Khi đó mẹ tự hỏi: “Giấy khen để làm gì khi một đứa trẻ phải học như khổ sai?”.
Mẹ không cho con đi học trước lớp 1, không ép con vào cuộc đua điểm số. Mẹ muốn con là một đứa trẻ bình thường, chứ không phải “siêu nhân”.
Mẹ không mong con đem về toàn những điểm 10 để làm đẹp hồ sơ. Bởi vì mẹ biết để có được những thứ đó, con sẽ phải đánh đổi rất nhiều thứ.
Con sẽ không được sai sót, con sẽ không được vấp ngã và rồi con sẽ thấy mình không có điểm dừng, cứ chạy, chạy mãi và rồi có lúc sẽ hụt hơi. Một đứa trẻ sẽ được gì khi suốt thuở ấu thơ chỉ biết học và học?
Con đang độ tuổi phát triển, khám phá, tò mò cái mới và đến trường là cơ hội để con được học hỏi những điều con chưa biết, chứ không phải giành giật, ganh đua vị trí nhất nhì.
Phụ huynh nào đó có thể hân hoan trước những con điểm tròn trịa, nhưng đằng sau đó có thể là học theo đề cương, học vẹt, học gạo. Và cách học ấy đang từng ngày, từng ngày một thui chột đi khả năng sáng tạo của trẻ.
Mẹ sẵn sàng chấp nhận thứ hạng thấp của con trên lớp, chấp nhận những con điểm thấp hơn điểm 7, điểm 8. Chỉ cần đó là của con!
Chúc con bước vào lớp 1 luôn cảm thấy hạnh phúc.
Theo Tuổi Trẻ
Tin mới nhất
- Quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2021 chỉ có một số thay đổi về kỹ thuật 25/03/2021
- Đề xuất tiếp tục hỗ trợ thu nhập cho giáo viên mầm non 05/03/2021
- Quà tặng ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 tại TP Hồ Chí Minh: Giá trị của cái đẹp lên ngôi 05/03/2021
- Người trẻ gác dự định du lịch để phòng dịch Covid-19 05/02/2021
- Sẻ chia hương vị Tết với đối tượng chính sách và người nghèo 05/02/2021
- Sôi động đêm đại nhạc hội The Harmony Cherub 05/02/2021
- Tăng tốc chuyển đổi số để thu hút đầu tư 16/01/2021
- Thông tin mới về tuyển sinh lớp 10 tại TP HCM 30/12/2020
- Đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục phổ thông 19/12/2020
- 5 chính sách mới có hiệu lực trong tháng 12-2020 công chức, viên chức cần biết 10/12/2020
- Dự báo 9 nhóm ngành cần nhân lực 09/12/2020