Nước mắt trưởng thành trong lễ tri ân
“Lời duy nhất mà chúng con có thể nói với thầy cô lúc này là cám ơn, cám ơn thầy cô nhiều lắm”.
Lời tâm sự của Anh Thư, học sinh lớp 12A7, như nói hộ nỗi lòng của hơn 1.000 học sinh khối 12 Trường THPT Mạc Đĩnh Chi, quận 6, TP.HCM trong ngày chia tay trường đẫm nước mắt.
Sáng 24-5, tại lễ tri ân và trưởng thành dành cho học sinh khối 12, Trường Mạc Đĩnh Chi cũng kết hợp nội dung chương trình Khi tôi 18 như một sự chứng nhận trưởng thành cho những học sinh sắp ra trường. Với 24 lớp 12, đây là một trong những ngôi trường có số học sinh lớp 12 khá đông tại TP.HCM.
Dẫn chương trình tại buổi lễ trang trọng và xúc động này, cô Dương Thu Trang, giáo viên văn của trường, đã đặt câu hỏi: Ai trong các con đã từng ăn vụng trong lớp mà không bị bắt suốt ba năm học vừa qua? Ai đã từng làm thầy cô mình phải bật khóc? Ai đã từng chọc phá thầy cô trong lớp? Ban đầu là những cánh tay rụt rè, sau đó là hàng loạt những cánh tay giơ cao “thú tội”.
Ngày cuối cũng là dịp để tất cả học sinh được thổ lộ nỗi niềm, những điều thầm kín, những tội lỗi hồn nhiên mong một lời tha thứ. Một học sinh lớp 12A13 đã đứng lên và kể về cái lần bị điểm kém, bị mẹ xé hết tranh ảnh thần tượng, đã từng khóc như mất tất cả và rồi sau này bình tĩnh lại, nhận ra sai lầm của mình như thế nào.
Để minh chứng sự trưởng thành, ban tổ chức cho một số học sinh lên bắt thăm câu hỏi tình huống. Mỗi học sinh sẽ phải đối mặt với một vấn đề của cuộc sống phía trước. Ví dụ như nếu kinh tế gia đình bị khó khăn, bạn sẽ đối mặt với điều đó như thế nào! Bạn yêu một người nhưng cha mẹ ngăn cấm, bạn phải làm sao? Nếu trượt đại học trong kỳ thi sắp tới, bạn sẽ làm gì? Một học sinh nữ khi bắt được câu hỏi: Giữa một nghề nghiệp cho mức lương cao với một nghề mà bạn đam mê nhưng mức lương thấp, bạn sẽ chọn nghề nào?
Các bạn đã thẳng thắn trả lời: Nếu chênh lệch giữa mức lương của hai nghề chỉ là 4 và 6 triệu, em sẽ chọn nghề em đam mê, nhưng nếu chênh lệch là 6 triệu và 40 triệu, em sẽ chọn mức lương cao. Bởi suy cho cùng, mình làm một nghề với mục đích chính là nuôi sống bản thân và gia đình mình.
Ngoài những dòng cảm nhận về mái trường, về những kỷ niệm với bạn bè, thầy cô, lễ tri ân trưởng thành đã mở ra những góc khuất trong tim của những cô cậu trò nhỏ.
“Với con, ba là người đàn ông vững chắc nhất trong nhà nên mọi buồn bực và cảm xúc ba đều giữ cho riêng mình. Còn mẹ là người mang nặng đẻ đau sinh ra con, chăm lo bữa ăn giấc ngủ và khi con lớn hơn, con bắt đầu phá phách, không nghe lời khiến mẹ buồn vì những lần con hư…”.
“Nhiều khi con cũng muốn hôn lên trán mẹ, ôm lấy mẹ, nói thương mẹ, nhưng con ngại lắm, con bị cứng miệng và con cũng chỉ biết thổ lộ bằng cách chọc ghẹo mẹ thôi”.
“Mãi tới bây giờ khi đã đứng ở ngưỡng cửa vào đời tôi mới đủ chín chắn để nhận ra mình đã có một gia đình rất tuyệt vời. Ba tôi từ một người cao to mạnh khỏe bỗng trở thành một người không còn khả năng lao động chỉ trong vài ngày ngắn ngủi, đã có lúc tưởng chừng ông phải rời xa tôi mãi. Mặc dù giờ đây ông không còn là trụ cột kinh tế trong gia đình, người ngoài còn cho rằng ông là gánh nặng, nhưng với tôi, vị trí của ba không hề thay đổi”…
Những dòng tâm sự được đọc lên trong cảm xúc của những người cha, người mẹ đang có mặt tại sân trường, cũng như của các bạn học sinh đã bắt đầu chín chắn hơn trong suy nghĩ. Tình cảm dành cho cha mẹ luôn ấp ủ trong lòng nhưng chưa từng được nói ra, chưa từng được đồng cảm, thì giờ đây cảm xúc tri ân ấy đã được gọi tên.
Với nhiều học trò, đây là lần đầu tiên tặng cho cha mẹ một cành hoa để cám ơn công lao dưỡng dục trời biển, cũng là một sự hứa hẹn với cha mẹ rằng con sẽ trưởng thành, nên người. Nhiều học sinh đã lần đầu trong đời ôm lấy cha mẹ mình và khóc. Nước mắt đã rơi trên những bờ vai, bờ vai của người trẻ đang tuổi bẻ gãy sừng trâu, thật chắc chắn và vững chãi, và bờ vai của những bậc sinh thành đã hao mòn vì sương gió.







Theo Tuổi Trẻ
Tin mới nhất
- Quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2021 chỉ có một số thay đổi về kỹ thuật 25/03/2021
- Đề xuất tiếp tục hỗ trợ thu nhập cho giáo viên mầm non 05/03/2021
- Quà tặng ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 tại TP Hồ Chí Minh: Giá trị của cái đẹp lên ngôi 05/03/2021
- Người trẻ gác dự định du lịch để phòng dịch Covid-19 05/02/2021
- Sẻ chia hương vị Tết với đối tượng chính sách và người nghèo 05/02/2021
- Sôi động đêm đại nhạc hội The Harmony Cherub 05/02/2021
- Tăng tốc chuyển đổi số để thu hút đầu tư 16/01/2021
- Thông tin mới về tuyển sinh lớp 10 tại TP HCM 30/12/2020
- Đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục phổ thông 19/12/2020
- 5 chính sách mới có hiệu lực trong tháng 12-2020 công chức, viên chức cần biết 10/12/2020
- Dự báo 9 nhóm ngành cần nhân lực 09/12/2020