Trường ĐH nói gì khi chỉ xét tuyển học bạ lớp 12?
Nhiều trường ĐH xét tuyển thí sinh vào trường chỉ dựa trên kết quả học bạ lớp 12 thay vì xét điểm 3 năm học THPT như trước đây.

Trường công an cũng xét học bạ
Từ năm 2013, Bộ GD-ĐT thí điểm cho 10 trường khối văn hóa, nghệ thuật được tuyển sinh không phải theo kỳ thi 3 chung của Bộ. Đến năm 2014, Bộ chính thức cho phép thêm 62 trường được thực hiện đề án tuyển sinh (không tính 10 trường khối văn hóa, nghệ thuật).
Ở thời điểm này đồng loạt các trường xét tuyển theo phương thức này đều dựa vào điểm học bạ 3 năm THPT (6 học kỳ) hoặc 5 học kỳ (trừ học kỳ 2 lớp 12) và đảm bảo mức điểm tối thiểu điểm trung bình của từng môn học trong tổ hợp xét tuyển không nhỏ hơn 6,0 đối (với bậc ĐH) và 5,5 đối (với bậc CĐ).
Vào năm 2015, nhiều trường bắt đầu chọn hình thức xét tuyển thí sinh chỉ dựa vào điểm học bạ 2 học kỳ năm lớp 12. Năm nay việc này diễn ra ở nhiều trường, kể cả trường ĐH công lập lớn. Ngay cả khối trường công an còn sử dụng điểm học bạ làm một tiêu chí cấu thành điểm xét tuyển. Trường ĐH Đồng Tháp dành 50% chỉ tiêu cho xét tuyển học bạ lớp 12 các ngành ngoài sư phạm, 30% chỉ tiêu các ngành sư phạm bậc CĐ. Một số trường công lớn khác cũng sử dụng phương thức này gồm: Trường ĐH Ngoại thương, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM…
70% chỉ tiêu xét tuyển học bạ
Đáng nói, một số trường còn dành phần lớn chỉ tiêu cho phương thức xét học bạ lớp 12.
Điển hình như Trường ĐH Phan Thiết, theo đề án tuyển sinh trường này công bố trên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD-ĐT, tổng chỉ tiêu năm nay là 1.030 thí sinh. Trong đó, chỉ 30% chỉ tiêu dành xét kết quả thi THPT quốc gia và 70% còn lại cho phương thức xét tuyển học bạ.
Đáng nói, trong 3 phương thức xét học bạ thì có tới 2 cách để thí sinh lựa chọn xét tuyển bằng điểm học tập năm lớp 12. Cụ thể: điểm trung bình cả năm lớp 12 hoặc điểm trung bình 3 môn theo tổ hợp xét tuyển của năm học lớp 12.
Xét học bạ dựa vào năm lớp 12 là bình thường?
Trao đổi với phóng viên Báo Thanh Niên về việc này, đại diện một số trường có sử dụng điểm lớp 12 để xét tuyển bày tỏ các quan điểm khác nhau.
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Anh, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, lý giải: “Có thể nói năm học lớp 12 là quan trọng vì nội dung kiến thức đề trong kỳ thi THPT quốc gia nằm chủ yếu ở năm học này. Muốn làm tốt bài thi THPT quốc gia, thí sinh cần phải có kiến thức nền từ những năm học trước đó. Việc này không chỉ diễn ra với kỳ thi năm nay mà cả thời kỳ ‘ba chung’ và trước đó nữa”.
“Hơn nữa, đây cũng là năm chuyển tiến kiến thức bậc phổ thông lên ĐH”, ông Quốc Anh nói thêm.
Vì vậy, ông Quốc Anh khẳng định: “Không phủ nhận hình thức xét học bạ 3 năm THPT nhưng không thể nói việc chỉ xét kết quả năm học lớp 12 là chưa đủ chất lượng. Vì tiêu cực xét tuyển có thể xảy ra ở bất kỳ phương thức nào, ngay cả việc tổ chức thi”.
Trong một góc nhìn khác, ông K., cán bộ tuyển sinh một trường ngoài công lập tại TP.HCM từng thừa nhận, việc một số trường phổ thông đánh giá điểm học bạ thiếu chính xác khiến các trường không thể chọn lựa đúng thí sinh vì “điểm ảo”. “Năm nay việc xét công nhận tốt nghiệp chỉ có 30% điểm học bạ, 70% căn cứ vào điểm thi THPT quốc gia thì sẽ có nhiều ‘điểm ảo’ hơn, khi mà các thầy cô THPT ưu ái cho học sinh”, người này lo ngại.
Theo Thanh Niên
Tin mới nhất
- Tăng tốc chuyển đổi số để thu hút đầu tư 16/01/2021
- Thông tin mới về tuyển sinh lớp 10 tại TP HCM 30/12/2020
- Đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục phổ thông 19/12/2020
- 5 chính sách mới có hiệu lực trong tháng 12-2020 công chức, viên chức cần biết 10/12/2020
- Dự báo 9 nhóm ngành cần nhân lực 09/12/2020
- Xu hướng tiêu dùng nông sản hữu cơ gia tăng 07/12/2020
- 11 cơ sở giáo dục đại học Việt Nam được xếp hạng tốt nhất Châu Á năm 2021 04/12/2020
- NÓNG: Quy định mới về thi tuyển công chức có hiệu lực từ 1-12-2020 04/12/2020
- ĐHQG TP.HCM tập huấn về “Công nghệ Đột phá cho Quản trị tài sản công” 04/12/2020
- Bộ GD-ĐT phê duyệt bộ tài liệu truyền thông về phòng, chống dịch Covid-19 dùng trong trường học 30/11/2020
- Lan tỏa phiên chợ không đồng giữa lòng thành phố 29/11/2020