Trường học cấp tốc treo rèm, nấu nước mía lau… cho học sinh chống nóng
Treo rèm che hành lang lớp học, nấu nước mía lau cho học sinh uống, nhắc nhở phụ huynh trang bị khẩu trang áo khoác chống nắng cho con… nhiều giải pháp được các trường cấp tốc thực hiện để chống nóng.

“Mùa khô năm nay ở TP.HCM thật khắc nghiệt, nắng và nóng đến rát cả da. Trường chúng tôi phải cấp tốc làm rèm chống nắng ở tất cả các hành lang của lớp học để bảo vệ sức khỏe cho học sinh” – cô Phạm Thị Thùy, hiệu trưởng Trường tiểu học Tân Trụ, Q.Tân Bình, cho biết.
Theo cô Thùy, do trường không có máy lạnh nên phải tăng cường quạt và cho quạt chạy hết công suất. Mỗi lớp học hiện có 2 quạt trần cộng thêm từ 6-10 quạt treo hai bên phòng học. Vì chạy hết công suất nên gần như ngày nào cũng có quạt hư và nhà trường phải cho người sửa ngay chứ nóng quá thì học sinh khó tập trung học được.
Tương tự, ở Trường tiểu học Lương Thế Vinh, Q.Gò Vấp, ban giám hiệu nhà trường phải liên tục nhắc nhở học sinh giờ ra chơi không được chạy ra chỗ nắng mà chỉ được chơi trong bóng râm. Các tiết học thể dục cũng được bố trí vào đầu giờ sáng hoặc cuối giờ chiều để học sinh không phải ra sân trong lúc nhiệt độ tăng cao.
Không những thế, hiệu trưởng một trường tiểu học ở Q.12 còn cho biết với những học sinh không học bán trú thì lúc 11h30 là lúc học sinh tan học, nắng chang chang mà một số phụ huynh chỉ cho con em đội mỗi cái mũ bảo hiểm, không khẩu trang, không áo khoác…
“Tôi phải yêu cầu giáo viên chủ nhiệm nhắc nhở học sinh và phụ huynh về thông tin trên báo rằng những ngày gần đây, buổi trưa thì tia UV ở TP.HCM đã đạt cực đỉnh, đi ngoài đường mà không che chắn rất dễ ung thư da” – vị hiệu trưởng này cho biết.
Đây cũng là lý do khiến nhiều trường tiểu học, THCS trên địa bàn TP thực hiện việc tuyên truyền cho phụ huynh phải sắm khẩu trang, áo khoác, bao tay cho con em mình nếu đi ra đường vào buổi trưa.
Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện khá nhiều trường, lớp mầm non trên địa bàn TP.HCM đều đã gắn máy lạnh ở các lớp học để giúp học sinh chống nóng .
“Đối với lứa tuổi mầm non, giờ ngủ trưa của các con rất quan trọng. Nếu nóng bức quá, các con sẽ khó ngủ mà thiếu ngủ thì rất dễ sinh bệnh. Vì vậy, chúng tôi trang bị máy lạnh để các con ngủ ngon hơn” – cô Phạm Thị Nguyên Ly, quản lý Lớp mầm non Phượng Vĩ (huyện Bình Chánh), chia sẻ.
Bên cạnh đó, trường còn yêu cầu giáo viên hạn chế cho học sinh ra sân chơi sau 9h sáng, cho học sinh uống nước chanh, tắc, cam hằng ngày để bổ sung vitamin C trong tiết trời nắng nóng.
Trong khi đó, ở Trường mầm non 7B, Q.Bình Thạnh, cô Cù Thị Quỳnh Giao, hiệu trưởng nhà trường, kể: “Các cô cấp dưỡng nấu nước mía lau cho học sinh uống hằng ngày để giảm nhiệt. Trong bữa ăn cũng vậy, biết rằng trời nắng nóng thì các con sẽ ngán ăn cơm nên nhà trường giảm bớt phần chất bột mà tăng lượng sữa để bổ sung dinh dưỡng cho học sinh.
Thực đơn của bữa xế thường là những món nước như xúp, nui, cháo… để học sinh dễ ăn và dễ tiêu hóa, thường xuyên nhắc nhở học sinh uống nước.
Thậm chí đối với những lớp nhỏ thì giáo viên phải đứng kế bên khi học trò uống nước để đảm bảo các con uống đủ lượng nước cần thiết vì nhiều bé ngại uống”.
“Mùa khô năm nay ở TP.HCM thật khắc nghiệt, nắng và nóng đến rát cả da. Trường chúng tôi phải cấp tốc làm rèm chống nắng ở tất cả các hành lang của lớp học để bảo vệ sức khỏe cho học sinh” – cô Phạm Thị Thùy, hiệu trưởng Trường tiểu học Tân Trụ, Q.Tân Bình, cho biết.
Tin mới nhất
- Quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2021 chỉ có một số thay đổi về kỹ thuật 25/03/2021
- Đề xuất tiếp tục hỗ trợ thu nhập cho giáo viên mầm non 05/03/2021
- Quà tặng ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 tại TP Hồ Chí Minh: Giá trị của cái đẹp lên ngôi 05/03/2021
- Người trẻ gác dự định du lịch để phòng dịch Covid-19 05/02/2021
- Sẻ chia hương vị Tết với đối tượng chính sách và người nghèo 05/02/2021
- Sôi động đêm đại nhạc hội The Harmony Cherub 05/02/2021
- Tăng tốc chuyển đổi số để thu hút đầu tư 16/01/2021
- Thông tin mới về tuyển sinh lớp 10 tại TP HCM 30/12/2020
- Đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục phổ thông 19/12/2020
- 5 chính sách mới có hiệu lực trong tháng 12-2020 công chức, viên chức cần biết 10/12/2020
- Dự báo 9 nhóm ngành cần nhân lực 09/12/2020